Theo lập trường của Ngân hàng Thế giới, hoạt động của những tổ chức TCVM bao gồm: cầu nối tài chính; kết nối xã hội; thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ; cung cấp dịch vụ xã hội. Tổ chức TCVM sẽ cung cấp cho khách hàng nghèo, đối tượng có thu nhập thấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản: tín dụng, tiết kiệm (bắt buộc, tự nguyện), bảo hiểm…

Tại Việt Nam, các tổ chức TCVM hiện đang cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho toàn khu vực mà tổ chức tài chính chính thức và phi chính thức hoạt động, là cây cầu nối điều hòa giữa người có dư tiền mặt (người gửi tiết kiệm) với người đang cần tiền mặt (người đi vay), khách hàng thông qua những tổ chức TCVM nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, tổ chức TCVM tại Việt Nam không được phép cung cấp sản phẩm dịch vụ bảo hiểm, nhưng trong thực tế đã có nhiều tổ chức TCVM  đã tiến hành triển khai các sản phẩm này dưới hình thức thử nghiệm. Từ đó ta thấy được việc thiết kế sản phẩm vay, tiết kiệm, bảo hiểm của tổ chức TCVM cần cân nhắc để phù hợp với đối tượng khách hàng vi mô, vì người nghèo không chỉ cần ăn thôi mà cũng cần được học hành mới mong thoát nghèo bền vững.

Thực trạng tổ chức TCVM Việt Nam tính đến cuối năm 2019

Chỉ Tiêu Số Lượng
Số lượng CTDA TCVM (đơn vị:CTDA)

Về phạm vi:

77
– Hoạt động trên phạm vi toàn quốc 4
– Hoạt động trên địa bàn tỉnh/huyện 73
Tình hình hoạt động (đơn vị: Tỷ VNĐ)
– Tổng số vốn được cấp 884,2
– Tổng số vốn huy động 719,9
– Tổng dư nợ tín dụng 1765,5
Chất lượng tín dụng
– Nợ quá hạn (đơn vị:%) 0,5%
Kết quả kinh doanh (đơn vị: Tỷ VNĐ)
– Tổng thu nhập 243,6
– Tổng chi phí 181,4

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước năm 2020

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp, thời điểm cuối năm 2019 đã có 77 tổ chức TCVM hoạt động khắp 41 tỉnh/thành phố, những tổ chức này được NHNN ban hành giấy chứng nhận hoạt động theo Quyết định 20/2017/QĐ-TTg.

Phạm vi hoạt động: Đã có 4 trên 77 tổ chức TCVM hoạt động trong phạm vi toàn quốc, gồm có 2 dự án thuộc tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 2 dự án thuộc tổ chức phi chính phủ trong nước. Các tổ chức TCVM còn lại sẽ thuộc tổ chức chính trị xã hội hoạt động trong phạm vi tỉnh thành mà tổ chức đó đặt trụ sở.

Tình hình hoạt động: Nguồn vốn hoạt động chủ yếu đến từ tài trợ và tiền gửi khách hàng. Cũng trong năm 2019, tổng số vốn được cấp vào những tổ chức TCVM là 884,2 tỷ đồng còn vốn huy động rơi vào 719,9 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính chủ yếu của tổ chức TCVM là tín dụng vi mô, trọng điểm vào tầng lớp người có thu nhập thấp khó tiếp cận được những dịch vụ sản phẩm từ ngân hàng truyền thống. Tổng dư nợ cho vay rơi vào 1.765,5 tỷ đồng (cuối năm 2019), chất lượng cho vay khá tốt mang tỷ lệ thu hồi vốn cao, tỷ lệ nợ quá hạn đang ở mức thấp (bình quân 0,5%); trong đó phát sinh nợ quá hạn chỉ chỉ tồn tại ở 44/77 tổ chức TCVM. Kết quả này đến từ quy mô cho vay nhỏ (bình quân từ 4,5 triệu đồng – 27 triệu đồng một khách hàng) kết hợp với hình thức cho vay thông qua bảo lãnh nhóm.

Không chỉ cho vay, các tổ chức TCVM còn có sứ mệnh cung cấp dịch vụ phi tài chính để hỗ trợ khách hàng học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tầm nhìn kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật… Góp phần nâng cao tri thức, khả năng quản lý kinh doanh, kiến thức xã hội, cải thiện cơ hội việc làm, thúc đẩy thu nhập và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho các khách hàng là người thua thiệt trong xã hội.