Khi trở thành thợ đào bạn sẽ được nhận một phần đồng tiền của loại tiền mã hóa mà mình đào khi giải quyết “bằng chứng công việc”.

Ta hãy ví dụ với trường hợp Bitcoin Blockchain, các thợ đào sẽ nhận được đồng token Bitcoin như một khoản thù lao cho công việc của họ.

Token được dùng để trao đổi trong thị trường tiền mã hóa hay thanh toán hàng hóa với những cửa hàng chấp nhận chúng.

Tôi sẽ làm rõ lý do tại sao lại gọi là thợ đào chứ không phải là danh từ nào khác. Nói một cách ngắn gọn thợ đào sẽ đào liên tục không ngừng nghỉ để tìm giải pháp toán học cho những vấn đề mã hóa phức tạp cho đến khi họ tìm ra đầu mối (đây là “vàng” của họ) và thêm khối tiếp theo họ giải mã được vào chuỗi khối.

Sau khi đã giải quyết xong vấn đề mã hóa họ sẽ thêm một khối vào Blockchain, lúc này toàn bộ mạng lưới có trách nhiệm phải cập nhật bản sao của Blockchain với mỗi khối đó.

Mỗi Node sẽ tự cập nhật đồng bộ thông tin mới nhất. Toàn bộ quá trình này có thể sẽ mất nhiều khoảng thời gian khác nhau tùy thuộc vào quy tắc, sức mạnh phần cứng của chuỗi khối. Ví dụ Bitcoin sẽ mất khoảng 10 phút. Vì những lý do này mà ta gọi toàn bộ quá trình công nghệ phức tạp bên trên là Blockchain.

Thuật ngữ chuỗi khối được đúc kết qua những cách giao dịch, lưu trữ qua các khối trong chuỗi. Và các khối này được liên kết chặt chẽ với nhau trong mạng lưới, liên tục được xử lý, ghi lại và cùng đều được cập nhật bởi tất cả mọi người ở trong mạng lưới.

Bạn có thể hình dung đây không khác gì cách làm việc của “cuốn sổ cái” mà trong ngành kế toán thường dùng, vì điều này mà người ta hay ví von Blockchain là “công nghệ sổ cái”.

Blockchain thực sự làm việc như thế nào ?

Ta hãy hồi tưởng lại lý do mà tiền mã hóa được tạo ra: Giao dịch

Nguyên tắc của giao dịch là không được ngắt kết nối, các giao dịch không phải là những hòn đảo biệt lập, chúng cần được minh bạch để mọi hòn đảo có thể biết được lịch sử của nhau.

Ví dụ : “An gửi cho Minh 5 triệu”, thuật toán sẽ bắt đầu tham chiếu lại các giao dịch trước đây đã được lưu trữ ở đâu đó dọc trong chuỗi. Tại nơi này không chỉ lưu lại thông tin An là người sở hữu 5 triệu mà còn khắc lại lịch sử tại sao An lại có 5 triệu, An nhận từ ai ? Lúc nào ? Nếu gọi Blockchain là một cuốn sách thì việc tham chiếu này sẽ mở ngược lại từng trang để điều tra lại lịch sử 5 triệu mà An gửi cho Minh đến từ đâu, tiền không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển từ túi người này qua túi của người khác. Và khi bộ mã tham chiếu lục tìm lại lịch sử sẽ thấy được ngày tháng năm, giờ giao dịch, ai đã gửi cho An 5 triệu…

Khi một giao dịch được yêu cầu xác thực, thông tin này sẽ chuyển đến hệ thống mạng. “An gửi cho Minh 5 triệu” sẽ được gửi đến tất cả các Node để rà soát thông tin. Tại sao phải rắc rối như vậy ? Vì mọi giao dịch phải được xác nhận bởi toàn hệ thống mạng trước khi được đưa vào chuỗi khối, điều này sẽ tránh được tình trạng “Chi tiêu kép”.

Khi An gửi cho Minh 5 triệu là sử dụng tiền kỹ thuật số mã hóa, An không dùng tiền giấy vật lý cho giao dịch này. Mọi thứ đều là những con số vậy lấy cơ sở gì để đảm bảo đây là bản gốc không phải bản sao scam ? Nếu không rà soát lại vì sao An có 5 triệu để gửi cho Minh thì Minh làm sao có thể biết được An có thực sự là chủ sở hữu số tiền 5 triệu này không và khi giao dịch được hoàn thành, lấy gì để chứng minh An không còn là chủ sở hữu của số tiền 5 triệu này nữa ?

Đây cũng chính là cách mà hệ thống tài chính ngân hàng trung ương hiện nay hoạt động, mọi giao dịch đều phải được rà soát và bạn phải mất khoản phí cao cho quá trình rà soát cũng như xác thực số tiền này. Các ngân hàng sẽ cập nhật liên tục vào “sổ cái”  để ghi nhận thực tế các giao dịch diễn ra.